Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm việc mở mang dân trí, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Người đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, với nhiệm vụ cực kỳ trọng đại là nâng cao dân đức, mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, là động lực của sự phát triển, đưa nước nhà tiến tới giàu mạnh, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Trong " Thư gửi cho học sinh", ngày 5-9-1945, Bác viết: " Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em".
Bác khích lệ học sinh chăm chỉ học tập để làm rạng rỡ cho nước nhà: " Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em".
Cảnh hoang vu của cổng trường trước đây đã được thay bằng gần 400m vuông bê tông
Bác Hồ đề cao sứ mệnh của người thầy giáo : " Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng CNXH và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất ...., những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh.... Nếu không có thầy giáo dạy dỗ con em nhân dân, thì làm sao mà xậy dựng CNXH được? vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang".
Để làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, người thầy giáo phải có phẩm chất tốt. Bác nhắc nhở: " Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức....Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con".
Trong di chúc, Bác nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng đối với việc chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ: " Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng XHCN vừa " hồng" vừa " chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết".
Cho đến bức thư cuối cùng Bác gửi cho ngành giáo dục, ngày 15-10-1968, Bác lại nhấn mạnh yêu cầu của nền giáo dục nước ta là phải gắng sức phấn đấu theo kịp với trình độ và chất lượng của các nước văn minh, tiên tiến: " Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật".
Đầu thư, Bác hết sức cảm kích những cố gắng lớn lao của nền giáo dục nước nhà, mặc dù trong hoàn cảnh cả nước còn chiến tranh nhưng sự nghiệp giáo dục vẫn phát triển nhanh, mạnh hơn bao giờ hết. Tình cảm sâu nặng chân tình của Bác Hồ với các thầy giáo, cô giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên và những lời khen đối với ngành Giáo dục không chỉ khơi dậy lòng yêu nghề, niềm tự hào đối với nghề tinh thần trách nhiệm của các thầy giáo, cô giáo, công nhân viên mà còn khơi dậy ý thức học tập của học sinh, sinh viên trong những năm tháng ác liệt.
Trong bức thư, Bác Hồ nhắc lại các thầy giáo, cô giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên 3 điểm sau: Thứ nhất, Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu tổ quốc, yêu CNXH, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho, luôn luôn cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng;
Thứ hai, dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra trong thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật;
Thứ ba, các cô các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tăng cường bảo đảm sức khỏe và an toàn. Đề cao sứ mệnh của thầy cô giáo, trong thư Bác viết: " Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quạn trọng và rất vẻ vang".
Cuối thư, Bác yêu cầu nền giáo dục nước nhà: " Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ XHCN, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó.
Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đưa sự nghiệp giáo dục nước ta lên những bước phát triển mới.
Gần nữa thế kỷ đã qua, mỗi lần đọc lại những dòng thư cuối cùng Bác viết cho ngành giáo dục trong lòng mỗi chúng ta đều cảm thấy bồi hồi xúc động! Trong lúc toàn đảng, toàn dân đang nỗ lực thi đua học tập làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tôi thiết nghĩ riêng với ngành giáo dục mỗi thầy giáo, cô giáo hãy đọc lại, nghiền ngẫm, suy nghĩ về những điều Bác dạy trong thư....Đúng như Bác nói " Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức...". Thực tế hiện nay chỉ cần nhìn vào học sinh các trường ta có thể đánh giá được trình độ, năng lực, đạo đức của đội ngũ giáo viên trường đó. Cũng là những học sinh có độ tuổi như nhau, hoàn cảnh kinh tế giống nhau.... nhưng nhiều trường nề nếp rất tốt, học sinh ngoan, khuôn phép, lễ độ, học chăm chỉ, nhiều trường học sinh hư, lười học....tất cả đều do thầy cô quyết định!
NVT